Dịch bệnh có thay đổi thói quen ăn uống vĩnh viễn?

Viết bài Tiffany 15:10 - 12/05/2020

Sự bùng phát dịch bệnh vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hơn 2 triệu người mà còn thay đổi thái độ và hành vi tiêu dùng của hàng triệu người khác.

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua. Kể cả sau khi hết giãn cách, các nhà hàng cũng chỉ đang dần lấy lại được doanh thu chứ chưa thực sự bùng nổ. 

Theo khảo sát gần đây của Nielsen, người tiêu dùng châu Á không thường xuyên đi ăn ngoài trước khi có dịch Covid-19 và kể cả khi cuộc sống quay trở lại bình thường, họ cũng muốn mua mang về và ăn tại nhà. 86% người Trung Quốc nói rằng họ thường xuyên ăn ở nhà, tại các quốc gia khác trong châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia thì con số là 62%.

Tại sao mọi người lại ăn ở nhà nhiều hơn?

“Tôi lo lắng về điều kiện vệ sinh tại các nhà hàng và tôi cũng không kiểm soát được tôi sẽ gặp những ai tại đó, liệu họ có các vấn đề về sức khỏe không.” – một khách hàng chia sẻ. Họ đều đồng ý rằng an toàn phải được đặt lên hàng đầu trong thời gian này. Họ cũng nhấn mạnh rằng, việc giãn cách xã hội là điều rất có ích để giảm thiểu sự lây lan trong xã hội. “Tôi tin rằng chúng ta càng nghiêm túc thực hiện, dịch bệnh càng nhanh chóng kết thúc.”

Ăn tại nhà cũng đem lại nhiều ý nghĩa hơn với mọi người. Một người chia sẻ “Nấu ăn là quá trình giúp tôi giảm stress và cũng là cách để giết thời gian trong thời gian tự cách ly.”

Liệu mọi người có quay trở lại ăn ngoài sau khi dịch bệnh kết thúc?

Một người tham gia khảo sát chia sẻ rằng cô ấy sẽ xem xét việc đi ăn ngoài khi các trường học đón học sinh trở lại. Tuy nhiên hiện tại, chẳng có gì hơn được đồ ăn tự làm. “Đảm bảo sức khỏe, ngon miệng và giá cả hợp lý. Ngoài ra, tôi còn học được thêm nhiều kỹ năng nấu ăn trong những ngày này.”

Tư duy và hành động của người tiêu dùng đang được định hướng lại và có thể điều này sẽ mang lại ảnh hưởng lâu dài đến thị trường. Vaughan Ryan, giám đốc Nielsen tại khu vực Đông Nam Á nhận định rằng, các thói quen cũ có thể bị thay đổi, bởi người dùng không chỉ đang đánh giá lại những nơi họ ăn mà còn cả đồ ăn nữa.

Tuy nhiên, Zhang Yi, CEO tại iiMedia Research, lại cho rằng kết luận có thể sẽ thay đổi, đặc biệt là với ngành công nghiệp nhà hàng và quán ăn khi dịch thực sự kết thúc. “Trong thời gian dịch SARS bùng nổ, số người đi ăn ngoài giảm mạnh vào 2 quý cuối năm 2003 nhưng lại tăng nhanh khi mùa Lễ hội đến.”

Giãn cách xã hội có thể trở thành điều bình thường trong tương lai, nhưng việc ăn ngoài sẽ không biến mất hoàn toàn.

Giáo sư Gao Xi tại trường đại học Fudan nói rằng việc ăn ngoài không chỉ là ăn uống mà còn là một hình thức tương tác xã hội. Ăn uống tại nhà không thể đem lại trải nghiệm tương tự. 

Thêm vào đó, cuộc sống bận rộn thời hiện đại cũng khiến nhiều người không có đủ thời gian để nấu ăn. “Dù tôi thích ăn ở nhà nhưng điều đó đôi lúc cũng khá khó khăn.” Đó cũng sẽ là điều mà nhiều người nhắc đến khi dịch bệnh qua đi và cuộc sống lại tất bật trở lại.

Có thể còn quá sớm để kết luận xem liệu đại dịch có thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống không. Nhưng chắc chắn một điều chúng ta có thể thấy từ báo cáo của Nielsen đó là khi cuộc sống quay trở lại bình thường, việc ăn uống lành mạnh và đảm bảo sức khỏe sẽ là vấn đề mà mọi người sẽ ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia cũng khuyên rằng, giờ đây các nhà hàng không chỉ nên chú trọng vào hương vị đồ ăn, mà việc an toàn cho sức khỏe mới là điều họ cần nhấn mạnh với khách hàng.


Bài viết liên quan