3 lý do Marketer không nên bỏ lỡ xu hướng AR, bài học từ 7-Eleven và L’oreal

Viết bài Tiffany 17:10 - 22/07/2020

Nhờ vào các ông lớn công nghệ như Apple’s ARKit và Google’s ARCore, giờ đây các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự xây dựng ứng dụng AR cũng như các chiến dịch AR.


Nhờ vào các ông lớn công nghệ như Apple’s ARKit và Google’s ARCore, giờ đây các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự xây dựng ứng dụng AR cũng như các chiến dịch AR.

Tất nhiên là bất kỳ đột phá mới nào cũng đem lại những khó khăn nhất định. Khi phải thay đổi và áp dụng những thông tin mới, hẳn là bất cứ marketer hay người dùng nào cũng tự hỏi rằng liệu thực sự công nghệ này có đem lại giá trị không.

Theo một nghiên cứu của Oracle, 61% các doanh nghiệp ứng dụng VR hay AR vào chiến dịch đều có mức độ hài lòng của khách hàng tăng rõ rệt. Thêm vào đó, 84% doanh nghiệp đồng ý rằng VR/AR đem lại ảnh hưởng có giá trị hơn những trải nghiệm công nghệ khác.

Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về AR cũng như các ứng dụng chi tiết tại Sổ tay hướng dẫn AR cho các MarketerBài viết dưới đây sẽ tổng hợp 3 lý do tại sao các nhãn hàng nên tìm hiểu và triển khai ngay AR vào các chiến dịch của mình.

Tạo ra tương tác mạnh hơn

Khách hàng giờ đây đang bị quá tải bởi quá nhiều nội dung hàng ngày khi đi trên đường, đi thang máy hay lướt điện thoại. Điều này càng gây áp lực cao hơn với các marketer khi phải cân nhắc thật kỹ sự xuất hiện của thông điệp và hình ảnh của nhãn hàng.

Và bối cảnh này chính là thời điểm vàng cho sự xuất hiện của “anh hùng” AR. AR (augmented reality) – thực tế tăng cường là sự kết hợp đột phá của công nghệ hiện đại và sự sáng tạo. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng AR tăng khả năng tập trung của não bộ hơn so với các công nghệ thông thường. Zappar và Mindshare cũng đưa ra được con số là hình ảnh/nội dung ứng dụng AR sẽ có tỉ lệ thu hút về mặt thị giác cao hơn 45% so với TV. 

7-Eleven là một nhãn hàng đã sử dụng AR để tăng sự tương tác với khách hàng, và thành công nhất là sử dụng với app tích điểm.Chiến dịch ra mắt bộ phim Deadpool 2 cũng ứng dụng AR và cho phép người dùng ứng dụng trải nghiệm AR bằng việc quét mã ngay tại cửa hàng.

Công nghệ AR đã tăng thêm sự hứng thú và tương tác của khách hàng khi trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng. Điều này đã giúp tương tác trên các ứng dụng tăng mạnh. Theo Zappar, chiến dịch AR có thể tạo ra được hơn 3.2 triệu tương tác.

Cùng xét đến các ngành mà trước giờ tương tác vẫn được coi là một thách thức lớn – Xăng dầu. British Gas cũng đã áp dụng AR vào chiến dịch nhằm tăng tương tác cho hệ thống tích điểm của mình. Một game online AR đã được triển khai vào tháng 4 năm 2019, với nhân vật chính là chú chim cánh cụt – linh vật của hãng. Người dùng sẽ điều khiển chú chim cánh cụt để đi thu thập trứng phục sinh để đổi lấy những phần quà của British Gas.

https://www.youtube.com/watch?v=Xtj1fbjx7MM&feature=emb_logo

Hiện thực hóa sản phẩm

AR trong một vài khía cạnh có thể không thực tế và phù hợp, tuy nhiên, nếu biết khai thác và kết hợp đúng cách với sáng tạo, thì AR có thể đem lại giá trị rất nhiều cho doanh nghiệp của bạn.

Việc ứng dụng AR vào sản phẩm chính là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Công nghệ này khiến khách hàng có được cái nhìn rõ ràng và thực tế về sản phẩm hơn; và kích thích mua hàng ngay tại điểm bán.

Công cụ trang điểm ảo của L’oreal là một ứng dụng kết hợp AR và thử sản phẩm trên một môi trường ảo. Công cụ này cho phép khách hàng sử dụng camera để thử trực tiếp sản phẩm makeup trên gương mặt mình hoặc tải 1 bức ảnh của gương mặt lên để thử lớp makeup. Sau khi mua lại Modiface, L’oreal đã triển khai công nghệ AR với 36 ngành sản phẩm của mình và coi đó là công nghệ nền tảng để xây dựng trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

https://www.youtube.com/watch?time_continue=18&v=zbBJfrkZRDI&feature=emb_logo

Mỹ phẩm chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho ứng dụng này. Công nghệ này hoàn toàn có thể ứng dụng được nhiều ngành hàng như quần áo, trang sức, phụ kiện,…

Tưởng tượng rằng bạn đang đi qua một khu vui chơi, có hình ảnh quảng cáo của kính râm. Hình ảnh đẹp khiến bạn thích thú nhưng bạn muốn biết khi mình thử lên thế nào, có hợp hay không. 

Việc đầu tư hình ảnh quảng cáo có thể gây ấn tượng ban đầu với khách hàng, nhưng nếu không có tương tác ngay và luôn, khách hàng sẽ đưa sản phẩm của bạn vào quên lãng cùng với vô vàn sản phẩm khác.

Vậy thì AR chính là chìa khóa – cho phép khách hàng có thể thử sản phẩm ảo ngay tại chỗ. AR chính là công cụ hữu ích để kích thích khả năng mua sắm ngay tại khi khách hàng có hứng thú và phát sinh nhu cầu.

Houuzz – một nhãn hàng cũng mới cập nhật ứng dụng và cho phép người dùng xem trực tiếp sản phẩm trên nền nhà của mình. Ứng dụng sẽ xác định kích thước nền nhà, cho họ biết số lượng sản phẩm họ cần với từng họa tiết họ muốn. Sau khi triển khai, Houzz cho biết thời gian người dùng sử dụng ứng dụng tăng lên 11 lần và doanh số thu về cũng tăng cao hơn so với thời gian trước.

Câu chuyện cho thương hiệu

Cuối cùng, AR cũng tạo ra được những lợi ích về mặt lâu dài cho các nhãn hàng. Một nghiên cứu của Magid cũng chỉ ra rằng AR không chỉ là một công nghệ giúp tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng mà còn ảnh hưởng tích cực lên việc tiếp nhận, ghi nhớ thương hiệu hay nói cách khác chính là độ nhận diện thương hiệu.

Công nghệ AR cho phép khách hàng tương tác trực tiếp với quảng cáo như đang chơi 1 video game. Điều này giúp xây dựng sự kết nối cảm xúc giữa nhãn hàng và người dùng, từ đó khuyến khích khả năng mua hàng.

Hãy tưởng tượng một biển quảng cáo ngoài trời ra mắt phim. Nếu chỉ đơn giản là 1 poster thông thường thì nó sẽ lạc lõng giữa 1 rừng các quảng cáo khác. Nhưng nếu kết hợp AR, người qua đường có thể dùng điện thoại quét hình ảnh trên quảng cáo, nhìn thấy và tương tác các nhân vật trong bộ phim sắp ra mắt. Thật tuyệt đúng không nào!

Sự kết nối cảm xúc chính là công cụ tốt nhất để tăng độ nhận diện thương hiệu.

Mọi người thường ghi nhớ lâu hơn những nhãn hàng đem lại trải nghiệm tích cực. Nên quảng cáo AR không chỉ phù hợp để thúc đẩy doanh số mà còn giúp xây dựng danh tiếng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngược lại, một trải nghiệm AR không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của khách hàng tới thương hiệu. Vì vậy, để có được một chiến dịch AR thành công, điều quan trọng là không nên chỉ chạy theo “trend” AR và mục đích PR, mà hãy suy nghĩ về lợi ích lâu dài mà trải nghiệm này có thể đem lại được cho nhãn hàng.


Bài viết liên quan