CSR trong chiến dịch marketing mùa Covid-19: Cách các doanh nghiệp san sẻ khó khăn với cộng đồng

Viết bài Thea 14:48 - 11/09/2021

Nghiên cứu của Forbes về cuộc khủng hoảng Covid-19 đã minh chứng những nỗ lực của chính phủ chỉ có thể được đẩy lên cao nhất và đạt được hiệu quả khi các doanh nghiệp “chung tay” thể hiện trách nhiệm cộng đồng. 


Hơn lúc nào hết, cần sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân để chung sức chiến thắng đại dịch COVID-19 (Nguồn: Bộ Y Tế)

Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ chiến dịch giãn cách xã hội của chính phủ, thay đổi mô hình kinh doanh để hỗ trợ tình trạng thiếu hụt. Doanh nghiệp “going online”, chạy quảng cáo tăng tương tác trên Facebook (PPE), cung cấp các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh tới người tiêu dùng…

Chịu sự ảnh hưởng từ dịch bệnh, các doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về mục đích và giá trị của họ trong hệ sinh thái kinh doanh tổng thể. Điều này đã phần nào tạo ra áp lực trong việc phát triển các cam kết trách nhiệm xã hội (CSR) trong các chiến dịch marketing của doanh nghiệp nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Safety First (An toàn là trên hết)

Trong giai đoạn đầu giãn cách, các hoạt động CSR mà các doanh nghiệp có thể triển khai đó là các hoạt động hỗ trợ sức khỏe người tiêu dùng nói riêng và cộng đồng nói chung cũng như bảo vệ phúc lợi nhân viên. Ngày nay, chiến lược CSR của một công ty được đánh giá dựa trên khả năng duy trì, các quy trình đảm bảo về sức khỏe, an toàn lao động sản xuất, và cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn.

Đặc biệt đối với người tiêu dùng, việc đảm bảo vệ sinh sản phẩm và mang đến trải nghiệm mua sắm và tiêu dùng an toàn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng ngoài sức khỏe và sự an toàn, sự bình ổn giá của các mặt hàng thiết yếu luôn được đề cao.

Tinh thần lạc quan, cộng đồng cởi mở 

Khi tình hình dịch được kiểm soát và mọi người dần trở lại nơi làm việc, các doanh nghiệp sẽ giám sát chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến sức khỏe của nhân viên, đặc biệt là sức khỏe tinh thần để đối mặt với sự suy thoái kinh tế ngay khi có dấu hiệu.

Cùng với sự hỗ trợ của nhân viên và khách hàng, có nhiều cách khác nhau để nâng cao giải pháp CSR, bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp và cộng đồng địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Việc thực hiện chiến dịch CSR của doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình hợp tác với các nhóm cổ đông thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch hiện nay.

Tuy nhiên dù việc xã hội đặt kỳ vọng cao vào việc các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, chúng ta cần biết rằng không phải tất cả các doanh nghiệp đều giống nhau. Do đó, sự kỳ vọng của người tiêu dùng và mức độ đóng góp của các doanh nghiệp trong các chiến dịch xã hội cũng sẽ khác nhau.

Covid-thriver (doanh nghiệp phát triển mạnh), Covid-proofer (doanh nghiệp kháng cự tốt) và Covid-sufferer (doanh nghiệp gặp khó khăn)

Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp được chia làm 3 “biến thể” dựa trên phản ứng của doanh nghiệp và sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Covid-thriver dùng để miêu tả cho các doanh nghiệp phát triển tự nhiên trong thời kỳ đại dịch do bản chất của các dịch vụ mà họ cung cấp, ví dụ như các doanh nghiệp về trò chơi hoặc giao hàng trực tuyến như Amazon (trang thương mại điện tử quốc tế dẫn đầu về lượt mua bán trực tuyến). 

Covid-proofer là những doanh nghiệp có khả năng chống lại tác động của đại dịch, ví dụ như siêu thị và các nhà sản xuất sản phẩm thiết yếu. Covid-sufferer là những doanh nghiệp đã gánh chịu các tác động của đại dịch, gặp khó khăn với những hoạt động kinh doanh, cụ thể là các doanh nghiệp dịch vụ, khách sạn, và du lịch. Đối với 3 loại doanh nghiệp này, thách thức và cơ hội của họ là rất khác nhau, đặc biệt là trong thời gian ngắn hạn, tuy nhiên với tác động lâu dài của đại dịch có thể sẽ khiến các doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh và các phân loại này sẽ thay đổi đáng kể.  

Chiến dịch marketing “ngắn hạn” và “dài hạn” 

Sự kỳ vọng của xã hội về các doanh nghiệp đã bắt đầu thay đổi, khi việc đưa ra quyết định của người tiêu dùng ảnh hưởng bởi những mối quan tâm về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, xu hướng này đang giảm do những lo ngại trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe. Ví dụ như việc giãn cách khiến mọi người ít sử dụng phương tiện giao thông công cộng và sử dụng nhiều túi ni lông hơn để mua hàng tích trữ, có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội về lâu dài. Sự xung đột tiềm ẩn này hoàn toàn có thể khắc phục bằng việc sắp xếp các hoạt động CSR và marketing hợp lý. Tiếp cận với các vấn đề xã hội mới kịp thời sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào chiến lược CSR kết hợp marketing dài hạn (xây dựng thương hiệu, truyền thông xã hội, SEO, tiếp thị nội dung mang tính tích cực cho người tiêu dùng và toàn xã hội).

Suy thoái kinh tế đang xuất hiện cùng với các căng thẳng tài chính do dịch bùng phát có thể dẫn đến việc nhiều công ty đầu tư vào chiến lược marketing ngắn hạn để thu lợi nhuận nhanh chóng, giảm bớt gánh nặng tài chính và để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại. Điều đó tác động đến việc các doanh nghiệp này phải từ bỏ các khoản đầu tư CSR, hoặc thậm chí thực hiện các hành vi gian lận nhằm thu hút và tạo doanh thu “tại chỗ” từ người tiêu dùng mà không quan tâm đến việc xây dựng lòng tin của họ trong dài hạn về sản phẩm và thương hiệu.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng CSR trong chiến dịch marketing dài hạn, Vinamilk đã đóng góp các sản phẩm và xây dựng các chương trình hỗ trợ thiết thực cho người tiêu dùng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng giá trị các gói hỗ trợ lên đến gần 170 tỷ đồng chỉ trong 31 ngày kể từ mùng 1/8/2021.

Chương trình “San sẻ gánh lo mùa dịch” được Vinamilk thực hiện trong tháng sinh nhật, với tổng giá trị trợ giá bằng sản phẩm gần 170 tỷ đồng (Nguồn: Vinamilk)

Hệ thống cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt của Vinamilk tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà để đáp ứng nhu cầu của người dân (Nguồn: Vinamilk)

Kế đến hành động thiện nguyện của Tập đoàn Vingroup – cũng là một minh chứng thành công trong việc kết hợp hoạt động CSR và marketing. Vingroup đã đóng góp 3200 máy thở VSMART (sản phẩm công nghệ mới của Vingroup) cho Bộ Y Tế với mong muốn hỗ trợ các y bác sĩ và những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Một hành động vừa đẹp về đạo đức vừa mang lại hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng từ đó dễ dàng truyền thông về thương hiệu và các sản phẩm mới của doanh nghiệp.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận ủng hộ 3.000 máy thở VFS-410 và 200 máy VFS-510 của Tập đoàn Vingroup (Ảnh: Trần Minh)

Đạo đức Kinh Doanh

Đại dịch là bài kiểm tra hoàn hảo về tính chân thực đối hoạt động CSR của nhiều doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn đã hình thành được văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh từ đội ngũ quản lý cấp cao, thì khả năng lựa chọn các giải pháp marketing hiện tại của họ trong thời kỳ dịch bệnh chính là bỏ qua vấn đề về việc nhanh chóng thu lại lợi nhuận mà tập trung xây dựng hình ảnh tích cực và truyền thông thương hiệu thông qua các hoạt động hỗ trợ xã hội thực tế. Việc đặt ra các mục tiêu marketing dài hạn liên quan đến các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về lâu dài. 

 

Writer: @hiptrungg 

Bài viết liên quan