Workshop Content Talk #4 – Hình hài sáng tạo do Content Marketing Agency tổ chức trên fanpage Content Joy đã đem tới những góc nhìn đa chiều về hành trình tìm kiếm và duy trì niềm cảm hứng sáng tạo trong nghề Content Marketing.
- Podcast – Tấm “phao an toàn” cho thương hiệu giữa đại dịch
- Bắt trend nhanh – 4 lý do vì sao doanh nghiệp chọn music marketing?
- 3 cách để thương hiệu kết nối với thị trường Việt Nam mùa Tết 2022
- Influencers “đòn bẩy” cho chương trình Affiliate Marketing của mọi nhãn hàng
Ngày 21/8 vừa qua, Workshop Content Talk #4 – Hình hài sáng tạo do Content Marketing Agency tổ chức trên fanpage Content Joy đã đem tới những góc nhìn đa chiều về hành trình tìm kiếm và duy trì niềm cảm hứng sáng tạo trong nghề Content Marketing. Những chia sẻ bổ ích và tận tâm nhất của các diễn giả đã dẫn dắt người xem đến một thế giới sáng tạo đầy thú vị nhưng cũng nhiều gai góc, mở ra cánh cửa cho những ai đam mê hay chỉ đơn giản là có hứng thú tìm hiểu về ngành nghề “thời thượng” này.
Workshop dẫn đường sáng tạo cho các marketer trẻ
Cho dù làm việc tại agency, clients hay freelancers thì chúng ta, những “dân Marketers chính hiệu” vẫn luôn canh cánh trong lòng về những ý tưởng truyền thông độc đáo và mới lạ. Thấu hiểu “paint point” đó, Workshop Content Talk #4 – Hình hài sáng tạo vừa qua như một cánh cửa nhỏ mở ra thế giới của những người làm sáng tạo nội dung, không chỉ giúp giải đáp những thắc mắc của khán giả, mà còn khắc họa chân thực niềm vui nỗi buồn, nỗi trăn trở trong một nghề được coi là “thời thượng” trong mắt các bạn trẻ.
Với phong cách dí dỏm, hài hước, sáng tạo và cũng đầy chân thành, hai diễn giả của Workshop là chị Nguyễn Thanh Hương – Director of Content Marketing Agency, Admicro và “Sói ca ngành sáng tạo” – anh Huỳnh Vĩnh Sơn đã bộc bạch chân tình về “nghề làm sáng tạo” trong workshop . Rõ ràng, không gì bằng niềm vui sáng tạo, vui vầy với ý tưởng mà còn được trả tiền! Nhưng đôi khi nó cũng có những lăn tăn, day dứt và những bi kịch tối khiến ta ngập ngừng chùn bước.
Giải mã Bản chất công việc của một creative marketers
Là một copywriter ngày đêm mày mò với con chữ, có bao giờ bạn tự hỏi “Bản chất công việc của một creative marketers” là như thế nào hay không?
Với 11 năm kinh nghiệm trong ngành, anh Sói đưa ra quan điểm của mình: “Thực ra công việc có gì quá phức tạp. Chủ yếu Sơn làm hai công việc thôi: thứ nhất là khi nhận một đề bài sáng tạo, Sơn sẽ nghĩ ra ý tưởng truyền thông hay, việc thứ hai là cố gắng triển khai ý tưởng đó ra trên nhiều format khác nhau, và thật hay. Nhiều người cho rằng “làm sáng tạo rất đơn giản, ngẫu hứng, cứ làm thôi không cần học gì nhiều”. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Bản thân ngành truyền thông quảng cáo luôn có những nguyên tắc riêng của nó.”
Quả thực, nghề làm sáng tạo không phải là một công việc đơn giản, như cái cách mà anh Sơn cho rằng, cái nghề Copywriter này của mình giống như “phô chữ” vậy. Phải nặng nhọc lắm mới ra được những con chữ hay. “Ý tưởng chỉ là những thứ vô hình, là những dòng suy nghĩ trong đầu mình thôi. Nhưng để biểu đạt những ý tưởng đó ra thành câu chữ thì đòi hỏi người làm sáng tạo phải có vốn từ, hiểu biết về tâm lý cũng như nhiều thời gian để thử và sai thì mình mới xong được. Nên đúng là nó nặng nhọc thật”.
Vai trò thuyền trưởng của người làm sáng tạo trong agency
Chị Thanh Hương cho rằng, người làm sáng tạo như một vị thuyền trưởng dẫn đầu cho con thuyền chiến dịch quảng cáo.
Chị khẳng định, sự sáng tạo là cần thiết trong bất kể ngành nghề nào. Nhưng giới hạn cho nó cũng là một thứ “đau đớn” mà người làm sáng tạo cần phải đối mặt. “Sáng tạo là cho phép mình phạm sai lầm, tuy nhiên nghệ thuật là biết sai lầm nào nên giữ lại”. Bạn làm sáng tạo bạn có quyền phiêu với những ý tưởng của mình, như một cánh diều bay, nhưng vẫn cần có một sợi dây để níu lại không sẽ bị bay đi mất. Sợi dây này chính là: chiếc brief từ khách hàng, ngân sách, tính khả thi, deadline, giá trị đem lại cho khách hàng và các yếu tố đi kèm để trả bài”.
“Người làm sáng tạo có quyền điên, máu lửa, tuy nhiên phải biết giới hạn cho mình rằng ý tưởng sáng tạo đó có khả thi hay không, được nhãn hàng chấp nhận hay không. Tôi hay nói vui là “Điên phải có biên độ và máu lửa thì phải có cửa để quay về”.
Đâu là “chất riêng” trong sáng tạo?
Đầu tiên, nó phải là yếu tố mới lạ và độc đáo, có thể là một góc nhìn mới, một cách tiếp cận mới so với cách tiếp cận cũ, hoặc là một cái quan điểm khác đi so với thông thường. Tiếp theo là phải thú vị và hấp dẫn trong cách kể chuyện, cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh. Thứ ba là yếu tố phù hợp, phải truyền tải được thông điệp và giá trị của nhãn hàng và về ngân sách nữa. Cái cuối cùng là có bán được hay không!
Chất riêng trong sáng tạo đôi khi không đến từ một cá nhân mà đến từ cả một tập thể. Agency là môi trường mà mọi sáng tạo đến từ đội nhóm rất nhiều. Một người làm sáng tạo phải biết cộng hưởng với rất nhiều bên, planner, account, suppliers,… Để cho ra một ý tưởng truyền thông từ hơn một trăm người là chuyện bình thường.
Bí quyết nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo?
Vậy đâu là bí quyết nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo đó? Với kinh nghiệm của mình, anh Sói thực tình chia sẻ: “Rút cuộc thì làm sáng tạo đơn giản lắm, nó chỉ là làm lại những điều cũ kĩ theo một cách mới mẻ, là thu nhặt và gom góp, là chạy ra đường và thấy sao mọi thứ nhàm chán quá, mình muốn thay đổi nó!”
“Mình muốn sáng tạo, trước tiên hãy đang thấy một cái gì đó rất chán, chứ nếu nó đang ổn, thì mình đâu cần làm cho mới đâu. Chúng ta làm những cái mới, nhưng nguyên liệu để làm ra cái mới lại là những nguyên liệu cũ. Sáng tạo là làm “connect the dot”, kết nối những điểm siêu khác nhau! Cho nên mình cần mở rộng hiểu biết, học hỏi từ những sáng tạo cũ là chuyện nên làm. Nhưng đừng làm “quá lố”, nó sẽ thành “đạo văn”. Quan trọng nhất là người làm sáng tạo vẫn phải chính là mình thôi, dù phối, trộn như thế nào nữa thì vẫn là mình thôi.”
Trải qua nhiều năm làm nghề, các creative marketers sẽ phải đối mặt với việc “tiếp thêm nhiên liệu” cho “cỗ máy sáng tạo” của mình. Nên nếu có thể, hãy cố gắng tìm mọi cách để tự mình triển khai ý tưởng đó, tự mình thấy ý tưởng của mình được thành hình. Tự triển khai ý tưởng sẽ giúp bạn nhận ra nhiều điều và sẽ trưởng thành hơn khi ai đó nói rằng ý tưởng của bạn chưa phù hợp!
Xét trong công việc của một đơn vị tư vấn chiến lược & triển khai Content Marketing tại Admicro thì chị Thanh Hương cho rằng: “Để nuôi dưỡng dòng chảy sáng tạo thì sau khoảng 6 tháng -1 năm, các bạn sẽ thay đổi lĩnh vực để không cảm thấy bị bí ý tưởng và vị nhàm chán. Việc thay đổi này phải dựa trên những điểm chung về ngành hàng cũng như về tập TA (Công chúng mục tiêu). Hoặc những lúc bị stress trong công việc có thể thay đổi không gian, tìm những nơi khác để làm việc thay vì đến văn phòng cũng là một cách nuôi dưỡng sáng tạo.”
Lời khuyên về cách tìm tòi và sáng tạo ý tưởng cho các marketers
Người làm sáng tạo đôi khi sẽ gặp phải những khó khăn trong quá trình tìm tòi và sáng tạo ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông. Những ai làm việc ở agency lại cực kỳ rõ ràng điều này.
Bạn bay bổng và nuông chiều cảm xúc và cần những không gian tự do để thoải mái phiêu với ý tưởng của mình. Nhưng để tìm tòi và sáng tạo ý tưởng đúng đắn, bạn vẫn cần cả hai yếu tố: Tính bay bổng và tính kỷ luật. Bay bổng ở đây là bạn có thể phiêu với ý tưởng của mình, không cần ngồi ở văn phòng làm việc, có thể ra quán cà phê, làm tại nhà, hoặc thậm chí là “cày đêm” miễn sao phải ra một sản phẩm đủ chất lượng. Còn tính kỷ luật là dù bạn có ở đâu, có bay bổng đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo deadline và có tinh thần làm việc teamwork.
Chính vì thế, việc đặt KPIs cho ngành sáng tạo cũng là một vấn đề nan giải. Với 10 năm kinh nghiệm trên cương vị quản lý, chị Thanh Hương cho rằng: “Thực ra, rất khó để định lượng rằng một tuần bạn phải bán được bao nhiêu ý tưởng mới đạt chỉ tiêu. Ý tưởng của bạn cũng không thể nói là hay hay dở, có thể vào một thời điểm với một nhãn hàng nhất định thì nó là hay, nhưng ở thời điểm khác nhãn hàng khác lại không. Nếu bắt buộc để tính KPIs thì một ý tưởng vừa phải đủ hay và vừa phải bán được hàng thì mới gọi là đạt KPI.”
Kết
Với 2 tiếng của buổi Workshop, Content Joy hi vọng các bạn tham dự đã có những góc nhìn đa chiều về ngành nghề sáng tạo hiện nay cũng như tìm ra cho mình một niềm cảm hứng mới trong tương lai. Sáng tạo đôi khi khiến ta bay bổng và phiêu đến tận cùng, nhưng đôi khi nó cũng kéo mình đến gần hơn với sự bế tắc khi không thể nảy ra ý tưởng nào. Nhưng điều quan trọng là bạn phải luôn học hỏi, kiên trì và là chính mình trong các ý tưởng!