- Livestream – chìa khoá giúp nhãn hàng thúc đẩy doanh số
- Podcast – Tấm “phao an toàn” cho thương hiệu giữa đại dịch
- Bắt trend nhanh – 4 lý do vì sao doanh nghiệp chọn music marketing?
- 3 cách để thương hiệu kết nối với thị trường Việt Nam mùa Tết 2022
Việc quảng cáo hợp tác với người nổi tiếng: micro influencers hay KOLs, chương trình khách hàng thân thiết và sử dụng những nội dung tạo ra bởi chính người dùng (UGC – User Generated Content) vẫn được coi là xương sống và là nội dung marketing chân thực nhất mà nhãn hàng nào cũng muốn hướng tới.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Lý do UGC giúp nhãn hàng tạo ra những tương tác có ý nghĩa trên mạng xã hội chính bởi đây là cách giao tiếp 2 chiều – nhãn hàng kết nối được với khách hàng khi họ đăng tải những hình ảnh của thương hiệu và khách hàng nhờ đó cũng nhận được sự chú ý và xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, UGC đã thay đổi hoàn toàn cách các thương hiệu và khách hàng tương tác trên nền tảng mạng xã hội.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu 5 bước để nhãn hàng biến khách hàng của mình trở thành những “fan” cứng của thương hiệu thông qua việc sử dụng UGC. Trước tiên, hãy cùng xem UGC là gì và đâu là những điều thương hiệu nên/không nên làm khi sử dụng UGC.
(Ảnh: Google)
UGC là gì?
UGC hiểu đơn giản là những nội dung miễn phí, không mang tính chất quảng cáo mà khách hàng đăng tải trên các trang mạng xã hội của họ, có bao gồm hình ảnh sản phẩm/thương hiệu và những feedback của họ một cách tự nhiên. Ví dụ như khi bạn của bạn đăng bài tweet về trải nghiệm thú vị tại 1 khách sạn, đó chính là UGC. Hay khi thương hiệu yêu thích của bạn đăng lại các stories trên Instagram của khách hàng khi họ tham gia sự kiện của nhãn hàng, đó là UGC. Hoặc khi một ai đó đăng video trên TikTok review về sản phẩm son môi mà người đó yêu thích, đó là UGC.
Điều quan trọng nằm ở chỗ nhãn hàng biết cách tận dụng các nội dung đó từ phía khách hàng để đem lại lợi thế marketing cho thương hiệu. Không chỉ mang tính chất “thật”, những nội dung UGC thậm chí có khả năng được chia sẻ cao hơn rất nhiều so với các nội dung từ nhãn hàng hay các hình thức quảng cáo hợp tác với người nổi tiếng.
UGC không nhất thiết phải là các nội dung bao gồm sản phẩm/thương hiệu một cách rõ ràng. Đó có thể là những nội dung nói về phong cách sống hoặc những giá trị có liên quan đến đặc tính của thương hiệu. Ví dụ, các nhãn hàng giày thể thao, ván trượt như Vans thường xuyên đăng lại các video có hình ảnh của vận động viên chơi xe đạp nghê thuật, trượt ván, nghệ sĩ – những người có phong cách phù hợp với hình ảnh của thương hiệu Vans “Off the Wall”.
Thương hiệu Vans tận dụng các nội dung UGC từ khách hàng để đăng tải trên kênh TikTok của mình. (Ảnh: TikTok)
Thương hiệu nên và không nên làm gì khi sử dụng UGC?
Một lưu ý cho các nhãn hàng đó là hãy sử dụng UGC chỉ khi được sự cho phép. Lỗi lớn nhất mà các thương hiệu hay mắc phải đó là sử dụng hình ảnh, video của khách hàng để đăng tải lại mà không ghi nguồn hay xin phép tác giả. Vậy nên nhãn hàng cần chú ý đến vấn đề bản quyền khi khai thác dạng nội dụng này. Kể cả khi đó chỉ là những tấm ảnh chụp màn hình hay là một tác phẩm kỳ công, thì người tác giả luôn cần phải được công nhận và có quyền sở hữu đối với sản phẩm của mình. Thương hiệu muốn hơp tác cần xây dựng lòng tin và mối quan hệ hai chiều với khách hàng.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nhãn hàng phải trả tiền cho các nội dung UGC. Song cũng sẽ có những trường hợp khách hàng yêu cầu một khoản phí từ thương hiệu cho việc sử dụng nội dung của họ. Nếu cần thiết, hãy tham vấn với đội ngũ pháp lý trước khi đưa ra bất cứ thỏa thuận hoặc hợp đồng nào giữa 2 bên. Trong trường hợp khi nhãn hàng không thể đền bù được cho những nội dung đã đăng tải, hãy gỡ bỏ những nội dung đó và cố gắng hợp tác để đạt được sự đồng thuận với tác giả.
Sau khi đã hiểu được đâu là những điều nên và không nên làm khi sử dụng UGC, hãy cùng xem đâu là 5 bước để tối đa hóa những lợi ích của UGC nhé!
(Ảnh: Delta Marketing)
5 bước để biến khách hàng trở thành “fan” của thương hiệu
Bước 1: Lựa chọn nền tảng mạng xã hội phù hợp với chiến dịch
Trước khi đi vào cách xây dựng nội dung UGC, nhãn hàng cần biết nền tảng mạng xã hội nào là nơi tiềm năng nhất cho dạng nội dung này. Instagram là một nền tảng tuyệt vời trong việc chia sẻ hình ảnh, song hãy cân nhắc liệu đó có phải nơi tệp khách hàng mục tiêu của nhãn hàng hoạt động năng nổ nhất hay không.
Hãy luôn cân nhắc tệp khách hàng và mục tiêu marketing khi lựa chọn một nền tảng mạng xã hội. Khảo sát của Sprout Social Index 2021 đã chỉ ra rằng, 86% khách hàng có xu hướng lựa chọn một thương hiệu thay vì các bên đối thủ khác nếu như họ có theo dõi thương hiệu đó trên mạng xã hội. Như vậy, việc lựa chọn đúng nền tảng mạng xã hội nơi nhãn hàng có nhiều khách hàng mục tiêu hoạt động năng nổ chính là cách để nhãn hàng không chỉ quảng bá hiệu quả các nội dung, mà còn trở nên nổi bật hơn đối thủ và gây dựng được sự kết nối lâu dài với khách hàng.
86% khách hàng có xu hướng lựa chọn một thương hiệu thay vì các bên đối thủ khác nếu như họ có theo dõi thương hiệu đó trên mạng xã hội. (Nguồn: Sprout Social Index 2021)
Bên cạnh đó, các marketer cũng cần nhìn xem đâu là nền tảng mà khách hàng mong muốn nhãn hàng tương tác nhiều hơn, thay vì chỉ nhìn vào những nơi mà mình có nhiều người theo dõi. Ví dụ, khi được hỏi đâu là nền tảng mạng xã hội mình sử dụng nhiều nhất, phần đông người tiêu dùng lựa chọn Facebook, Youtube và Instagram lần lượt là top 3 mạng xã hội của mình. Facebook cũng là nền tảng nơi số đông người tiêu dùng (78%) theo dõi các thương hiệu nhất.
Vậy đâu là những nội dung phù hợp cho từng nền tảng mạng xã hội?
Cũng giống như việc xác định đâu là nền tảng phù hợp, nhãn hàng cần xem dạng nội dung UGC nào sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất đối với từng nền tảng và làm sao để truyền tải được dạng nội dung đó dựa theo văn hóa người dùng mạng xã hội.
Facebook: Đây là nền tảng phổ biến và phù hợp cho các nội dung video và truyền tải câu chuyện thương hiệu. Facebook là một nền tảng giúp nhãn hàng kể câu chuyện thương hiệu mang tính chân thật nhất thông qua nhiều công cụ như hình ảnh, video clip, status,... Thuật toán của Facebook có thể khá khó để kiếm được tương tác organic, song nhãn hàng cũng không nên bỏ qua việc tận dụng UGC để xây dựng các nội dung quảng cáo.
Facebook là một trong những nền tảng phổ biến nhất trong việc lan tỏa các nội dung UGC. (Nguồn: Falcon.io)
Twitter: Mặc dù nền tảng này có quy định giới hạn số từ của bài đăng, song điều đó không khiến cho tiềm năng sáng tạo của người dùng Twitter bị giới hạn. Đây là nền tảng rất phù hợp cho việc chia sẻ hình ảnh, giống như Instagram. Nếu sử dụng Twitter để tổ chức sự kiện, nhãn hàng có thể tạo ra Twitter feed phát trực tiếp và dễ dàng retweet các nội dung UGC. Một trong những ưu điểm của nền tảng này đó là việc sử dụng các top trending hashtag có thễ dễ dàng thu hút được lượng khán giả mới xem những nội dung của thương hiệu.
Twitter là nền tảng phù hợp với việc chia sẻ hình ảnh và retweet. (Ảnh: Google)
Instagram: Được biết đến như “bà hoàng” của các mạng xã hội hình ảnh, Instagram chắc chắn là nền tảng không thể bỏ qua đối với các nội dung UGC. Điều quan trọng là nhãn hàng cần biết cách đăng tải lại, nâng cấp phần Instagram Explore và tìm kiếm nội dung thông qua hashtag. Việc dễ dàng chia sẻ hình ảnh đã biến Instagram trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của nhãn hàng để thể hiện tính sáng tạo và kết nối với những người yêu thích thương hiệu của mình. Việc đăng lại, nhắc tên và tạo ra các Highlight trên tính năng Instagram Story là một cách tuyệt vời để nhãn hàng tận dụng các nội dung UGC cho mục đích marketing. Người dùng thậm chí còn có thể đăng lại các bài viết được đăng lại, nhờ đó tăng độ phủ sóng và dẫn nhiều người tới với trang của thương hiệu hơn.
Instagram – “Bà hoàng” của mạng xã hội hình ảnh với các tính năng Instagram Explore, Instagram Story, tìm kiếm qua #hashtag,.. chắc chắn là nền tảng không thể bỏ qua đối với các nội dung UGC. (Ảnh: TRENDS)
TikTok: Là “chiến binh” đến sau nhưng TikTok dần thể hiện được thế mạnh của mình với lượng người dùng ngày càng lớn, những video ngắn, content đa dạng do người dùng sáng tạo có tính viral cao. Dường như không có một giới hạn nào cho nội dung UGC trên TikTok. Văn hóa mạng trên TikTok chủ yếu hướng đến tính chân thật, những video cắt ghép đơn giản thay vì các bài review hay video trau chuốt. Nhãn hàng có thể tăng tương tác bằng cách bình luận vào các video của khách hàng, hỏi họ về việc chia sẻ nội dung và trích dẫn nguồn khi mượn các nội dung đó để đăng lại trên trang cá nhân của mình.
Dường như không có một giới hạn nào cho nội dung UGC trên TikTok. (Ảnh: The Influencer)
LinkedIn: Được biết đến là mạng xã hội lớn nhất dành cho các nhà tuyển dụng, các nội dung UGC trên nền tảng này cần được nhãn hàng trau chuốt hơn và thể hiện được mục tiêu và tầm nhìn của thương hiệu sâu hơn. Nền tảng này không phải nơi phù hợp để đăng lại bất cứ nội dung nào của người dùng, thay vào đó, nhãn hàng sẽ cần chú ý tới việc đăng tải các nội dung UGC liên quan tới doanh nghiệp của mình một cách chuyên nghiệp.
LinkedIn là mạng xã hội phù hợp cho những nội dung UGC mang tính chuyên nghiệp và trau chuốt. (Ảnh: Influencer Marketing Hub)
Bước 2: Đặt ra các mục tiêu UGC cụ thể
Giống như các chiến dịch marketing khác, việc sử dụng nội dung UGC cũng cần có các mục tiêu và định hướng cụ thể để đạt hiệu quả. Các nội dung UGC thường mang tính chất đời thường và không chuẩn bị trước, song nhãn hàng cũng có thể tận dụng điều đó để tạo điểm nhấn cho chiến lược kinh doanh của mình.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện của hãng mỹ phẩm Aura khi họ sử dụng chiến lược biến các nhân viên của mình trở thành những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Bà Vera Kock, Phó Giám đốc mảng Global Marketing của Aura cho hay, “Các nội dung UGC được làm theo cách này đã giúp cho chúng tôi trở nên gần gũi hơn với khách hàng… Nó thể hiện được cho mọi người thấy rằng một người thật cũng có thể tận hưởng sản phẩm của chúng tôi như thế nào.”
Chiến lược biến nhân viên trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội của hãng mỹ phẩm Aura. (Ảnh: Glossy)
Việc tận dụng nội dung UGC cũng là một cách hiệu quả cho các thương hiệu mới để có thêm ý tưởng cho các chiến dịch marketing của mình. GoPro là một ví dụ. Thương hiệu này khi mới ra mắt đã nhận thấy được sức mạnh của UGC – giúp cho GoPro tận dụng ngay những cảnh quay từ khách hàng của mình, một dạng feedback hết sức chân thật và dễ để làm. Điều đó đã giúp cho GoPro xây dựng được định hướng chiến lược marketing cho mình một cách dễ dàng hơn.
GoPro đã tận dụng những cảnh quay từ chính khách hàng của mình để đăng tải lên trang cá nhân của thương hiệu. (Ảnh: Instagram)
Dưới đây là một vài các mục tiêu UGC phổ biến thường được marketer lựa chọn để phù hợp với phần lớn các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội:
- Tăng tương tác thương hiệu: Nhãn hàng nào cũng muốn đạt được nhiều tương tác trên mạng xã hội, và việc đặt mục tiêu tăng tương tác cho các chiến dịch UGC là một việc cần thiết. Các nội dung UGC, thông qua sự truyền tải của influencers, cần gây được sự chú ý và tăng độ nhận diện của thương hiệu đối với khán giả.
- Tăng tỉ lệ chuyển đổi: UGC và Social Commerce có một mối liên hệ mật thiết. Theo một nghiên cứu của Sprout Social, 53% người tiêu dùng lựa chọn việc theo dõi các thương hiệu mà họ yêu thích trên mạng xã hội để cập nhật thông tin về các sản phẩm cũng như dịch vụ mới nhất. Do vậy, các nhãn hàng có thể tận dụng điều này để tăng tỉ lệ chuyển đổi của khách hàng thông qua các nội dung review, đập hộp,… đánh vào tâm lý mua hàng của người tiêu dùng.
- Xây dựng brand trust: Theo báo cáo State of UGC 2021 của Tint, 93% marketer đồng ý rằng người tiêu dùng có xu hướng tin vào các nội dung được đăng tải bởi những người dùng khác nhiều hơn là nội dung từ nhãn hàng. Khách hàng có xu hướng tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, một trong những mục tiêu của UGC nên là xây dựng niềm tin của khách hàng vào thương hiệu. Vậy làm thế nào để thương hiệu cân đo được brand trust của người tiêu dùng? Hãy tìm kiếm các từ khóa và cụm từ liên quan tới thương hiệu và xem các ý kiến review của người dùng trên các trang web và nhãn hàng có thể đánh giá được brand trust của người dùng.
- Cung cấp thông tin cho người dùng: Nhãn hàng cũng có thể bắt đầu bằng việc tìm kiếm các câu hỏi hoặc nỗi lo của khách hàng qua mạng xã hội. Như vậy, nhãn hàng có thể dễ dàng đo lường được liệu những thắc mắc của khách hàng có được giải quyết sau khi xem các nội dung UGC hay không. Nhìn chung, Influencers thường là những người có khả năng cao trong việc đưa ra gợi ý và giải quyết những vấn đề của người tiêu dùng trên mạng xã hội.
- Tiết kiệm thời gian tạo nội dung: Nếu nhãn hàng đang cần đẩy mạnh hình ảnh của mình mà không có quá nhiều thời gian xây dựng nội dung, UGC chắc chắn là một công cụ tuyệt vời cho việc đó. Bằng cách sử dụng hashtag, bình luận và ảnh của người dùng, nhãn hàng đã có thể tiết kiệm cho mình rất nhiều thời gian cho việc xây dựng nội dung.
Bước 3: Định hướng nội dung cho khách hàng
Theo một nghiên cứu của của Tint, 50% người tiêu dùng mong muốn nhãn hàng có thể nói cho họ biết họ cần tạo ra và chia sẻ những dạng nội dung như thế nào. Nhãn hàng khi thực hiện các chiến dịch UGC, có thể gợi ý cho người dùng các cách để họ có thể tạo ra nội dung phù hợp với định hướng của thương hiệu. Hãy có cho mình một bộ quy tắc và hướng dẫn cho các nội dung UGC. Bên cạnh đó, nhãn hàng có rất nhiều cách để kích thích việc người dùng sản xuất ra các nội dung UGC – chiến dịch hashtag, cuộc thi trên mạng xã hội, v.v.. Chỉ với một hashtag, nhãn hàng đã có thể định hướng cho người dùng thấy được dạng nội dung mong muốn của mình và đưa ra một ví dụ để họ dễ dàng đi theo. Ví dụ như thương hiệu Yeti đã sử dụng hashtag #BuiltforTheWild để gợi ý người dùng chia sẻ các hình ảnh, khoảnh khắc gần gũi với thiên nhiên.
Chiến dịch #BuiltforTheWild của Yeti gợi ý người dùng chia sẻ các hình ảnh, khoảnh khắc gần gũi với thiên nhiên. (Nguồn: Yeti)
Bước 4: Tương tác và tạo ra các ảnh hưởng mang tính cộng đồng
Một trong những hiệu quả tuyệt vời nhất của UGC đó là tạo ra được tính tương tác và gắn kết cộng đồng sâu rộng. Đối với người tiêu dùng, việc nhận được một cái tag tên hay được thương hiệu mình thích đăng lại bài viết chính là niềm vui và sự tự hào. Một báo cáo của Stackla by Nosto năm 2019 đã chỉ ra rằng, 51% người tiêu dùng có xu hướng tương tác hoặc mua sản phẩm của nhãn hiệu đã chia sẻ bài viết của mình trên mạng xã hội.
(Nguồn: Nosto)
Những hành động chia sẻ đó không chỉ dừng lại ở việc xây dựng kết nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng, nó còn giúp nhiều người được tương tác với thương hiệu hơn và gia tăng khả năng tạo tish viral cho các bài viết trong tương lai. Do đó, nhãn hàng cần chú trọng tới việc xây dựng customer persona cho thương hiệu của mình, cũng như kết nối với người tiêu dùng và những người có ảnh hưởng của thương hiệu. UGC chính là chất keo gắn kết mọi người qua các cuộc trò chuyện và kết nối thương hiệu đến với người tiêu dùng. Tựu chung lại, các tương tác đó tạo ra tính chân thật và nếu được vận hành đúng cách, sẽ đem lại được lợi nhuận khổng lồ cho nhãn hàng.
Chiến dịch #Shareacoke của Coca-Cola đã mang đến lượng tương tác khổng lồ cho thương hiệu này trên các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh: Keyhole Marketing)
Bước 5: Phân tích và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch UGC đạt được
Để tiếp tục sử dụng được các chiến dịch UGC, nhãn hàng cần biết cách phân tích và đo lường hiệu quả của các chiến dịch đã thực hiện được, và việc có một thang đo cụ thể là điều cần thiết.
Theo Báo cáo của Sprout Social Index, 93% marketer đồng ý rằng các dữ liệu từ mạng xã hội cho phép họ đi trước một bước so với đối thủ, song chỉ có 55% người nói rằng họ sử dụng mạng xã hội để hiểu về khách hàng mục tiêu. Những con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có số liệu tốt sẽ hình thành các chiến lược UGC thành công.
93% marketer đồng ý rằng các dữ liệu từ mạng xã hội cho phép họ đi trước một bước so với đối thủ. (Nguồn: Sprout Social Index)
Lời kết
Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, UGC đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một công cụ hữu dụng cho các nhãn hàng để lan tỏa ảnh hưởng của mình tới với nhiều người. Hiểu được mong muốn đó của nhãn hàng, Content Marketing Agency mang đến giải pháp Mega Contest và Mini Contest để giúp nhãn hàng tổ chức các chiến dịch UGC phù hợp với thương hiệu, gia tăng độ phủ và brand love. Click để tìm hiểu ngay!
Writer: Giang Lê